Đăng Ký Học
Ngày 23/03/2021 13:23:43, lượt xem: 4684
Là tác phẩm Việt cạnh tranh trực tiếp với những cái tên đang rất “hot” tại thời điểm hiện tại, "Bố Già" của nghệ sĩ Trấn Thành lại bất ngờ tạo nên cơn sốt phòng vé "vô tiền khoáng hậu" trong lịch sử điện ảnh nước nhà. Với những giá trị cốt lõi thấm đượm tình người, bộ phim chứa đựng nhiều câu thoại ý nghĩa trở thành niềm cảm hứng cho đề văn nghị luận xã hội.
Đề bài: Anh/chị có suy nghĩ gì về câu nói: “Hãy trả lại sự cân bằng cho vạn vật, có những nỗi đau phải xảy ra để tạo tiền đề cho những điều tốt đẹp được xảy ra” - Sư Thầy trong phim “Bố Già”
Bài làm
Cuộc sống là những mảnh ghép đa màu sắc, sự vật, có màu hồng của hạnh phúc, màu xanh của sự sống nhưng cũng có màu xám của tuyệt vọng, màu đen của khổ đau… đa sự, đa đoan như thế… Tại sao chúng ta cứ tìm kiếm hạnh phúc, vui vẻ mà quên mất rằng trong những nỗi đau cũng ẩn chứa điều kỳ diệu? Phải chăng đúng như câu nói “Hãy trả lại sự cân bằng cho vạn vật, có những nỗi đau phải xảy ra để tạo tiền đề cho những điều tốt đẹp được xảy ra”. Câu nói đã khẳng định giá trị của nỗi đau - bất hạnh, khổ sở,... là điều cần thiết để tồn tại trong cuộc sống này. Nỗi đau trực tiếp thức tỉnh chúng ta phải nhìn lại đời mình, xem những giá trị mình theo đuổi có thực sự quan trọng như mình nghĩ hay không? Nó cũng dạy chúng ta biết dừng lại để nhìn thấy rõ đâu là hạnh phúc chân thật, đâu là giá trị chân chính của đời sống. Sau mỗi lần nếm trải nỗi đau ta lại có thêm bài học, kinh nghiệm để có chuẩn bị tốt hơn tạo tiền đề cho tương lai. Nếu chúng ta suy nghĩ kĩ thì sẽ thấy tại sao Phật lại nói về khổ đế (sự thật về khổ), là một trong “Tứ diệu đế” trong bài giảng đầu tiên. Khổ đau đến giống như những ngày mưa gió bão bùng để nhắc nhở chúng ta biết sống và trân quý những ngày nắng đẹp, gió hiền. Có bao giờ bạn thắc mắc kim cương và than chì đều hình thành từ nguyên tố Cacbon nhưng lại có giá trị khác nhau? Bởi kim cương bị nén ở độ sâu hơn 1000km, chịu áp suất 900 Giapascal,... để nó kết tinh được vẻ đẹp và giá trị như vậy. Beethoven là nhà soạn nhạc thiên tài, ông bị khiếm thính nhưng ông đã trở thành nhà soạn nhạc vĩ đại, nổi tiếng thế giới. Phải chăng “có những nỗi đau phải xảy ra để tạo tiền đề cho những điều tốt đẹp được xảy ra”? Thế mà, nhiều người lại không biết cách học hỏi từ nỗi đau, những lúc gặp khó khăn lại bỏ cuộc và luôn chán nản, mà không biết nó là món quà từ cuộc sống. Tất nhiên không phải vì thế mà lúc nào cũng lao đầu vào nỗi đau, mà nên biết cân bằng cuộc sống, để có thể sống một cách đầy trọn vẹn. Riêng bản thân tôi, đã rút ra được bài học hành động và nhận thức để có thể hoàn thiện bản thân trên con đường mình đã chọn. Còn bạn thì sao?
Xem thêm nhiều bài viết hay khác của Học Văn Chị Hiên tại:
Youtube Học Văn Chị Hiên.
Facebook Học Văn Chị Hiên.
Tin liên quan